Ngày 14/12/2016 (nhằm ngày 16/11 Bính Thân) nằm trong chương trình tu học của khóa tu Phật thất lần thứ 84, chùa Hoằng Pháp tiếp tục thực hiện chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 12. Nhân vật chính trong chương trình lần này là Phật tử Phạm Văn Lực, pháp danh Tâm Trí, Giám đốc Công ty TNHH An Thái Minh, hội viên Hội người mù huyện Thanh Trì (Hà Nội).
11 chương trình đã được diễn ra, đó là 11 câu chuyện, 11 cuộc đời, 11 số phận và cũng là 11 bài học quý cho tất cả chúng ta. Quý Phật tử đã được tiếp xúc với những nhân vật, những con người trong các lĩnh vực như giáo sư, bác sĩ, luật sư, doanh nhân, đạo diễn, diễn viên, ca sĩ… và trong chương trình kỳ này, một nhân vật là một doanh nhân song lại có một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khiến cho mọi người không khỏi thán phục trước ý chí, nghị lực của anh.
Sinh ra và lớn lên là một người bình thường như bao người khác, nhưng đến năm 23 tuổi, một căn bệnh đã lấy đi đôi mắt sáng của anh. Và như thế, gần 10 năm đã đi qua, rồi mãi về sau này, anh đã phải làm quen với cuộc sống không được nhìn thấy mặt trời. Từ đó, cuộc đời anh lật sang một trang mới, cũng là bắt đầu cho một hành trình đầy gian truân, khó khăn và thử thách, nhưng đầy ý nghĩa và những kỷ niệm khó quên.
Con người ta, khi sinh ra đều sở hữu một đôi mắt sáng, để nhìn đời, nhìn cuộc sống, để làm duyên. Đối với chúng ta, nhắm mắt lại trong vòng 1 phút hay một giờ là điều dễ dàng, song nhắm lại với một màn đêm đen thẫm trong một năm hay cả cuộc đời lại là điều không phải đơn giản. Anh đã có cuộc sống vô cùng khó khăn, đầy thử thách trong khoảng thời gian đầu tiên của cuộc sống người khiếm thị. Đối với anh, trong quãng thời gian này, cả thân và tâm đều rơi vào khủng hoảng nặng nề. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ sẽ khó có thể chấp nhận được khi thứ quý giá nhất cuộc đời là đôi mắt đã bị mất đi. Giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời đối với anh dường như đã bị bẻ gãy, tất cả thế giới như sụp đổ hoàn toàn trước mắt, bao ước mơ tàn lụi, bao dự định bị chặn đứng, nhựa sống của tuổi thanh niên dường như hoàn toàn khô cạn. Tất cả đã đẩy đưa anh đứng trước một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình, đó là đi tiếp hoặc buông xuôi, phấn đấu ngẩng cao đầu hoặc lăn lóc theo dòng đời nghiệt ngã. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, vợ con và gia đình, anh đã quyết định đi lên bằng chính đôi chân của mình, để rồi cuối cùng, anh đã trở thành một doanh nhân thành đạt.
Khởi nghiệp bằng con đường tham gia vào kinh doanh không phải là điều dễ dàng với ngay cả những người khoẻ mạnh, bình thường. Vậy mà, chỉ với mức thị lực 0,5/10, anh đã và đang đặt những bước chân vững vàng vào nền kinh tế thị trường đầy khốc liệt cũng như đưa doanh nghiệp của mình đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực thời trang. Đối với anh thì kinh doanh như là một nhân duyên, là sự yêu thích và đặc biệt hơn, chính kinh doanh đã góp phần thu hẹp khoảng cách của một người khuyết tật nói chung và của người khiếm thị nói riêng với cộng đồng xã hội. Thế giới xung quanh chúng ta thật khó có thể thay đổi, để có được thành công chỉ có thể là sự thay đổi ở chính bản thân chúng ta mà thôi.
Nhưng điều quan trọng hơn, trong công việc, thông qua các chuyến từ thiện, anh đã có duyên với Phật pháp. Đây chính là điều kiện cốt lõi để làm nên một doanh nhân trẻ thành đạt như ngày hôm nay. Khi biết đến Phật pháp, chỉ trong vòng một khoảng thời gian ngắn đã thay đổi cả cuộc đời của anh, từ cách tư duy, suy nghĩ đến cách hành xử trong cuộc sống hàng ngày. Những giáo lý về nghiệp báo, nhân quả, từ đế, bát chính đạo,… ở các quyển sách, các bài giảng đã làm mới con người của anh, mặc dù khuyết tật về thể xác song không khuyết tật về tâm hồn. Từ đó, anh đã làm chủ được tâm lý và tâm thức, biết biến nhược điểm của mình thành những ưu điểm có lợi cho đời sống cũng như công việc. Đặc biệt hơn nữa, anh đã đưa Phật pháp không chỉ vào cuộc sống mà còn đưa vào công việc với những nhân viên của mình. Đây chính là thành quả mà anh đáng nhận được, dù rằng, đôi mắt thịt mà bố mẹ ban cho đã không còn song anh đã mở cho mình đôi mắt tâm, đôi mắt trí tuệ để thấy được bản chất của cuộc đời.
Qua câu chuyện của anh, chúng ta có thể thấy được rằng, cuộc sống không phải là dễ dàng, nó luôn biến động, đôi lúc hạnh phúc, song có lúc lại khổ đau. Nhưng với tất cả những bước thăng trầm của cuộc sống, chúng ta lại học được những bài học khiến chúng ta mạnh mẽ lên trong cuộc đời này. Và, những điều tốt đẹp sẽ đến với ai tin tưởng, những điều tốt hơn sẽ đến với ai kiên nhẫn và những điều tốt nhất chỉ đến với những người không bỏ cuộc.
Chứng minh và tham dự, Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, chủ nhiệm chương trình này đã có đôi lời nhận định. Mặc dù mắt kém nhưng Phật tử Tâm Trí đã biết vượt lên tất cả và có một cuộc sống hạnh phúc. Vượt qua nỗi khổ niềm đau khi không còn ánh sáng như lại sáng vô cùng vì đây là ánh sáng của chân lý khi Phật tử Tâm Trí đã biết nương tựa vào Phật pháp. Đây cũng là bài học quý cho quý Phật tử, đôi khi chúng ta sáng mắt song lại không biết đến ánh sáng chân lý mà đức Như Lai đã tuyên thuyết và chỉ dạy. Bên cạnh đó, Thượng tọa đã có lời tán thán khi nói đến người bạn đời của Phật tử Tâm Trí. Qua câu chuyện trong chương trình Hoa Mặt Trời kỳ này, Thượng tọa đã nhắn nhủ đến đại chúng một thông điệp vô cùng quan trọng, đó là “Tàn mà không phế”, tuy bất hạnh nhưng chúng ta hãy lấy Phật pháp làm con đường để vượt qua những khó khăn thử thách, mang Phật pháp áp dụng vào cuộc đời này để bản thân chúng ta được thành công cũng như để cuộc sống này thêm thăng hoa hơn, ý nghĩa hơn.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận: