Submitted by admin on Thu, 08/16/2018 - 11:51
Ngày Cập Nhật

“Chư Tỷ-kheo, đây là các gốc cây, đây là các chỗ trống. Hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta.” (19 - Kinh Song Tầm, Trung Bộ Kinh)

3 Pháp Tăng Thượng

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, chương 3, phẩm Sứ Giả Của Trời (Devadutavagga), Phật dạy về 3 pháp tăng thượng. Đó là ngã tăng thượng, thế giới tăng thượng và pháp tăng thượng.

Adhi, Hán dịch là tăng thượng, nhưng trong bản kinh này có thể hiểu nghĩa là làm trọng. Như vậy trong bài pháp ngắn, Phật dạy phương pháp quán sát 3 đối tượng tự thân, thế giới và pháp làm trọng với mục đích lấy đó làm động cơ thúc đẩy, từng bước thăng tiến trên con đường thực hành pháp giác ngộ.

1. Ngã tăng thượng: Suy nghĩ, quán sát về chính bản thân mình, lấy mình làm động cơ thúc đẩy trên con đường thực tập.

Chúng sinh hữu tình từ vô thỉ kiếp đến nay bị rơi vào sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Nay ta đã có được thân người, có lục căn đầy đủ, có trí để hiểu và hành trì Phật pháp, đó là một phước duyên lớn.

Những thiện nam tử vì niềm tin xuất gia, từ bỏ gia đình bước chân vào giáo pháp Như Lai chỉ có một mục đích duy nhất là tìm cầu vô thượng an ổn, thoát ly mọi khổ ách. Ví như người bị đắm trong bùn lầy nhơ bẩn, nay đã được vớt lên bờ và tắm rửa sạch sẽ. Thật không thích hợp, nếu người ấy tiếp tục nhảy xuống trở lại và sống trong bùn nhơ. Cũng thế, vị hành giả suy tư, nay ta đang được sống trong giáo pháp của Như Lai, đã phát nguyện quyết đoạn trừ các dục vọng, nếu còn đeo đuổi các dục vọng như trước kia hay còn ác tệ hơn. Như vậy, thật không xứng đáng cho sự xuất gia của ta.

2. Thế giới tăng thượng: Suy nghĩ, quán sát về đối tượng bên ngoài. Thế giới có vô số loài phi nhân, chư thiên và bậc tu hành có tha tâm thông. Những vị ấy có thể thấy biết tâm của ta. Vị hành giả luôn tâm niệm như vậy, lấy đó làm động cơ thúc đẩy tránh phóng dật, dễ duôi trên con đường tu tập.

Trong Tích truyện Pháp cú có kể câu chuyện về một vị tỳ-kheo áp dụng phương pháp quán sát thế giới tăng thượng tu hành đắc quả A-la-hán. Chuyện kể rằng tại ngôi làng sơn cước, nữ cư sĩ Mātikagama phát nguyện hộ trì sáu mươi vị Tỳ-kheo trong ba tháng an cư. Sau khi nghe pháp quán về ba mươi hai thể trược và ngũ uẩn, bà miên mật hành trì. Không bao lâu, bà chứng đắc thánh quả A-na-hàm trước cả những vị Tỳ-kheo mà bà đang phát nguyện hộ trì. Với sự hỗ trợ của thần thông, nữ cư sĩ biết được thể trạng, tâm tư của từng vị Tỳ-kheo và hỗ trợ các điều kiện vật chất như mong mỏi của các vị ấy. Kết thúc mùa an cư, cả sáu mươi vị Tỳ-kheo đều chứng đắc thánh quả A-la-hán.

Nghe câu chuyện hy hữu về ngôi làng sơn cước và sáu mươi vị Tỳ-kheo đắc thánh quả A-la-hán, có một vị Tỳ-kheo trẻ tuổi đã hối hả thu vén vật dụng, y bát lặn lội đến ngôi làng có nữ cư sĩ hộ độ hy hữu để hi vọng rằng sẽ nhanh chóng đắc quả A-la-hán. Nhưng sau khi đến nơi, vị Tỳ-kheo biết nữ cư sĩ đã đắc thánh quả cùng tha tâm thông. Vì lo sợ nữ thánh cư sĩ biết những ý nghĩ uế trược, hạ liệt của mình, theo lời Phật dạy vị Tỳ-kheo đã nhiệt tâm, chuyên chú rà soát tâm, quán sát miên mật sự sinh diệt của cảm thọ, tri giác và tâm hành. Sau đó, vị ấy đã chứng quả vị A-la-hán, tuệ phân tích cùng các thắng trí.

3. Pháp tăng thượng: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí có thể tự mình giác hiểu. Ta đã được xuất gia trong Pháp và Luật khéo giảng như vậy, không lẽ ta lại có thể sống biếng nhác phóng dật. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta.

Chúng ta phải nhìn nhận chính xác rằng, đức Phật không phải là người phát minh hay tạo ra Giáo Pháp. Chư Phật ba đời chỉ là người phát hiện ra Giáo Pháp - con đường xưa cũ và chỉ dạy lại cho chúng ta đi theo.

"Này chư Tỳ-kheo, cũng như người kia đi lạc trong rừng sâu, tìm ra một con đường mòn xưa cũ. Nhiều người đã đi qua, và phải đi trải qua, dài theo con đường ấy đến một thị trấn đã có từ bao giờ... Cùng thế ấy, này chư Tỳ-kheo, Như Lai đã tìm gặp Con Ðường Cũ Xa Xưa.

Trên đường ấy chư Phật Chánh Đẳng Giác trong quá khứ đã trải qua. Và này chư Tỳ-kheo, con đường xưa cũ ấy là thế nào? Ðó là Bát Chánh Ðạo... Như Lai đi dài theo con đường ấy. Và đã đi dài theo con đường ấy, Như Lai hoàn toàn thấu triệt những Hành Ðộng, sự phát sinh của những Hành Ðộng, sự chấm dứt những Hành Ðộng và con đường chấm dứt những Hành Ðộng." (Trích trong Kinh Tương Ưng Bộ)

Và để có thể phát hiện ra Giáo Pháp ấy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ đời quá khứ là đạo sĩ Sumedha đã phát nguyện thành Phật, thực hành viên mãn 30 ba-la-mật trải qua bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Sự xuất hiện của bậc Chánh Đẳng Giác là sự kiện hy hữu khó tìm được ở đời, Giáo Pháp được Ngài chỉ dạy có công năng giúp chúng sinh đoạn trừ phiền não, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Nay chúng ta đã hội đủ duyên lành gặp được Giáo Pháp bất tử ấy, vậy mà chúng ta lại thờ ơ, dễ duôi không để tâm học và hành trì Giáo Pháp. Như vậy, không phải thật đáng thương, đáng tiếc cho sự kiện có được thân người và gặp được Giáo Pháp hay sao?

Qua bài kinh ngắn, đức Phật đã dạy chúng ta 3 phương pháp thực tập rất đơn giản và thiết thực cho đời sống của người hành giả muốn vượt thoát trần lao, tìm cầu vô thượng an ổn. Con đường vượt thoát thế gian là đến với sự thực hành chân thật, không phải đến với thế giới hý luận. Hãy đến để mà thấy.

Danh Mục Phật Sự
3 Pháp Tăng Thượng