Submitted by admin on Thu, 08/16/2018 - 10:08
Ngày Cập Nhật

“Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng…” Mùa thu đã về. Thu về với người tha hương nơi đất khách. Thu về trong tiếng yêu thương nghẹn ngào của người con nước Việt đang bộn bề nơi viễn xứ. Người con Phật hiếu thảo không khỏi chạnh lòng nhớ nghĩ đến ơn đức cao dày của mẹ cha. Chính vì vậy, dù có đi đâu, ở đâu hay làm bất cứ việc gì nhưng đến những ngày của tháng bảy người ta lại dành một chút thời gian nghe một bài kệ hay một câu kinh để cùng cảm nhận tình thương yêu vô bờ bến của cha và của mẹ. Và đây cũng chính là nhân duyên để những người con đất Việt sinh sống, làm việc và học tập tại TP Incheon nói riêng và xứ sở Kim Chi nói chung có dịp được trầm mình trong những cung bậc cảm xúc của ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu đầy ý nghĩa.

Lễ Vu Lan Cho Người Việt Tại Hàn Quốc

Trước đó vào ngày 11/08/2018 (nhằm ngày 01/07 Mậu Tuất) Thượng tọa Thích Chân Tính cùng chư Tăng chùa Hoằng Pháp đã đến tham quan chùa Truyền Đăng và chùa Bạch Liên. Vào buổi tối cùng ngày, Thượng tọa đã có buổi nói chuyện cùng các Phật tử về tham dự lễ Vu Lan Báo Hiếu vào ngày hôm sau.

Ngày 12/08/2018 (nhằm ngày 02/07 Mậu Tuất) lễ Vu Lan Báo Hiếu cho quý Phật tử Việt Nam đã được tổ chức trang nghiêm, long trọng tại chùa Dược Sư, Tp. Incheon, Hàn Quốc. Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, thầy HwaEung, trụ trì chùa Dược Sư, thầy TeHyu, phó trụ trì chùa Dược Sư cùng chư Tăng chùa Hoằng Pháp.

Đúng 10h00 (giờ địa phương) trong sự trang nghiêm thành kính, quý Phật tử đã chắp tay niệm hồng danh đức Phật để cung nghinh chư tôn đức quang lâm.

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia hộ, tuyên bố lý do, giới thiệu chương trình và thành phần tham dự, đại diện cho quý Phật tử trong cộng đồng hiện diện trong đạo tràng một lòng chí thành, chí kính cử hành nghi thức dâng hoa cúng dường.

Trong âm thanh du dương, đầy xúc cảm của nhạc phẩm Lòng Mẹ, Phật tử Liên Phương đã đọc ý nghĩa cài hoa hồng. Đây là những tình cảm của những người con, đặc biệt là những người con xa xứ dành cho các bậc sinh thành dưỡng dục.

Tiếp theo đó, chương trình được tiếp tục với phần cài hoa hồng. Những bông hồng là những tình cảm dành cho cha mẹ đã được những người con dù còn tại gia hay xuất thế trân trọng nâng niu và cài lên ngực áo trong tiết tấu của nhạc phẩm “Bông Hồng Cài Áo”. Bên cạnh niềm hạnh phúc tột cùng của những ai vẫn còn hình bóng của hai đấng song thân là những giọt nước mắt của những người con đã vắng bóng mẹ cha trên cuộc đời.

Tiếp sau đó, quý Phật tử đã có cơ hội được sám hối những tỗi lỗi của mình đã gây ra với hai đấng sinh thành qua chương trình “Phút sám hối”.

Tiếp đó, thầy HwaEung, trụ trì chùa Dược Sư đã có lời phát biểu chúc mừng cho buổi lễ. Thầy đã tán thán tinh thần tu học của người Phật tử Việt Nam, cùng với đó là một vài điều chia sẻ về ý nghĩa lễ Vu Lan và thầy hy vọng quý Phật tử hãy giữ tinh thần Vu Lan trong tâm mình để luôn làm tròn chữ Hiếu.

Chương trình của buổi lễ được tiếp tục với nghi thức “Dâng Y Cúng Dường”. Một nhân duyên thù thắng khi được làm thân người lại biết đến Phật pháp, ngày nay noi theo tấm gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên, đại diện quý Phật tử trong đạo tràng đã thành tâm dâng phẩm vật lên cúng dường chư tôn đức.

Sau lời tác bạch dâng y của quý Phật tử, Thượng tọa Thích Chân Tính đã đại diện cho chư Tăng nạp thọ phẩm vật cúng dường. Đồng thời, nhân dịp này Thượng tọa đã có vài điều nhắn nhủ đến quý Phật tử trong tinh thần ngày Vu Lan Báo Hiếu.

Đầu tiên, Thượng tọa có lời tán thán tinh thần tu học của cộng đồng Phật tử tại đây. Nhân đây, Thượng tọa đã chia sẻ cùng đại chúng câu chuyện gắn liền với ngày lễ này, đó là câu chuyện về ngài Mục Kiền Liên. Quả thật, đây là câu chuyện đầy ý nghĩa và sâu sắc, cũng chính là duyên khởi cho ngày lễ Vu Lan này. Qua câu chuyện, Thượng tọa đã nhắc nhở đại chúng về bổn phận của người con trong gia đình, đặc biệt khi chúng ta đã quy y là đệ tử Phật cần phải chú trọng hơn nữa trong việc thực hành chữ “Hiếu”. Vì bên cạnh hiếu thế gian còn có hiếu xuất thế, đây chính là điểm quan trọng mà người con Phật cần chú ý. Chúng ta là sự tiếp nối của ông bà tổ tiên, của cha mẹ, vì vậy cần phải làm sao để rạng danh cho tổ tông ông bà dòng họ. Sự thành công của chúng ta chính là niềm vui lớn với cha mẹ ông bà. Mặt khác, trong tinh thần hiếu đạo của người con Phật, chúng ta cần phải nhận thức rõ và duy trì cũng như phát triển tôn giáo tâm linh của người Việt cho dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu, và bất cứ hoàn cảnh nào.

Bên cạnh đó, Thượng tọa đã nhấn mạnh về tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao hai buổi lễ mà một người con Phật phải luôn luôn để tân nhớ tưởng đó là lễ Phật đản và lễ Vu Lan. Quả thật, đây là hai buổi lễ vô cùng quan trọng thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của những người đệ tử Phật trong cả gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Thượng tọa mong mỏi đại chúng hãy dành nhiều thời gian hơn cho hai ngày lễ này để sự tu tập của bản thân sẽ được trọn vẹn viên mãn.

Cuối lời, Thượng tọa gửi đến lời tri ân sâu sắc nhất đến chư tôn đức chùa Dược Sư đã quang lâm chứng minh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt được tổ chức thành công đại lễ Vu Lan. Đồng thời, Thượng tọa cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến quý Phật tử tại đây.

Đặc biệt trong chương trình còn có sự góp mặt của các Phật tử chùa Dược Sư với các nhạc phẩm dâng lên cúng dường buổi lễ, thầy Tâm Đại thể hiện độc tấu đàn nhị với nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về”, thầy Tâm Hoạch với đàn Organ trong nhạc phẩm “Nhật Ký Của Mẹ”. Ngoài ra, Phật tử Thiện Bình đã cúng dường đại chúng nhạc phẩm “Vu Lan Nhớ Mẹ”, Phật tử Thuận Viên với đàn Organ đã thể hiện nhạc phẩm “Tình Cha”, Phật tử Liên Vy với nhạc phẩm “Gặp Mẹ Trong Mơ”.

Buổi chiều cùng ngày, chư Tăng cùng quý Phật tử cử hành khóa lễ tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu. Đáp lại lời thỉnh cầu, Thượng tọa đã làm lễ Quy y cho những thiện nam tín nữ có nguyện vọng được quay về nương tựa Tam Bảo, thọ trì năm giới.

Buổi lễ đã khép lại trong niềm hoan hỷ của tất cả mọi người.

Danh Mục Phật Sự
Lễ Vu Lan Cho Người Việt Tại Hàn Quốc