BAN TỔ CHỨC CHÙA HOẰNG PHÁP
HUYỆN HÓC MÔN – TP HỒ CHÍ MINH
Hóc Môn, ngày 14 tháng 07 năm 2018
KẾ HOẠCH
Tổ chức Cuộc thi Thắp Sáng Đèn Tuệ
Để tiếp nối và truyền lửa cho ngọn đèn chánh pháp được sáng mãi với thời gian, đem tình thương và tuệ giác của Phật đến với nhân loại, chư Tăng Chùa Hoằng Pháp quyết định tổ chức cuộc thi “Thắp Sáng Đèn Tuệ”. Cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA
- Nhằm phát động phong trào tìm hiểu và ứng dụng những lời Phật dạy vào đời sống thường nhật, giúp cân bằng và chuyển hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc chân thật cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
- Tiếp nối truyền thống tri ân và báo ân Phật, tưởng nhớ đến ân đức vô lượng mà trong suốt cuộc đời hoằng pháp, Ngài đã không hề mệt mỏi để ân cần truyền trao cho tất cả chúng ta.
- Góp phần nâng cao đời sống tinh thần, ôn lại và suy gẫm những lời vàng của Phật. Và cũng là cơ hội để chúng ta chiêm nghiệm, nhìn lại những hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm trong quá khứ, từ đó điều chỉnh và phát huy đời sống thiện lành trong tương lai.
II. THỂ LỆ CUỘC THI
1. Giới thiệu về Kinh Pháp Cú
Kinh Pháp Cú hoặc Kinh Lời Vàng hay còn được gọi là Lời Phật Dạy, là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu bộ kinh trong Kinh Tạng Pali. Ðây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhiều tác giả xem bộ kinh này như Thánh thư của đạo Phật.
Kinh Pháp Cú là một tập hợp những lời dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau, trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài. Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của đức Phật tập hợp lại từ nhiều quyển kinh khác. Những câu danh ngôn của đức Phật được ghi tại các chùa hay các sách báo về danh ngôn phần lớn được trích ra từ Kinh Pháp Cú. Tại Việt Nam bản dịch thành thơ của Hòa thượng Thích Minh Châu được sử dụng rất phổ biến.
Một trong những kinh điển nghiên cứu về Phật học của người học Phật, Kinh Pháp Cú được xem như là một bản tóm tắt truy cập những lời dạy của Đức Phật để đưa con người tự đến khám phá sự thật cho chính mình. Pháp Cú tiếng Pāli gọi là Dhammapada và Phạn ngữ dharmapāda viết theo mẫu Devanāgarī.
Kinh Pháp Cú, trong tiếng Pali: Dhammapada là do hai chữ ghép lại, Dhamma là Pháp có nghĩa là sự thật, nguyên tắc, học thuyết Phật giáo, pháp luật, và kỷ luật, Pada có nghĩa là con đường, cách thức, bước chân. Cuốn Kinh này gồm 26 Phẩm, 423 bài kệ, là cuốn thứ hai trong 15 cuốn thuộc Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka-Nikaya) trong Kinh tạng Pali và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Không có kinh nào được dịch ra nhiều thứ tiếng như tập Dhammapada này. Hầu hết các ngôn ngữ quan trọng trên thế giới đều có bản dịch của kinh. Tại các nước theo Phật giáo Nam Tông, kinh này đã được các Sa-di học thuộc lòng. Không những 423 bài kệ trong kinh này tóm thâu tinh hoa giáo lý đức Phật, mà nhiều bài kệ đã trở thành những lời dạy chính đức Phật thân thuyết. Và đọc những bài kệ này, chúng ta cảm thân như nghe được chính lời Phật dạy hiện tiền từ hơn 2000 năm còn vọng lại. Giá trị bất hủ của tập Dhammapada chính ở chỗ này vậy.
2. Nội dung thi:
Người tham gia phải học thuộc lòng Kinh Pháp Cú (bao gồm 26 phẩm, 423 bài kệ, bản dịch do HT Thích Minh Châu biên soạn). Bản kinh sẽ được gửi qua mail cho người đăng ký dự thi. Đây là tên các mục phẩm của Kinh Pháp Cú:
- PHẨM 01-10
I. Phẩm Song Yếu
II.Phẩm Không Phóng Dật
III. Phẩm Tâm
IV. Phẩm Hoa
V. Phẩm Ngu
VI. Phẩm Hiền Trí
VII. Phẩm A-La-Hán
VIII. Phẩm Ngàn
IX. Phẩm Ác
X. Phẩm Hình Phạt
- PHẨM 11-20
XI. Phẩm Già
XII. Phẩm Tự Ngã
XIII. Phẩm Thế Gian
XIV. Phẩm Phật Đà
XV. Phẩm An Lạc
XVI. Phẩm Hỷ Ái
XVII. Phẩm Phẫn Nộ
XVIII. Phẩm Cấu Uế
XIX. Phẩm Pháp Trụ
XX. Phẩm Đạo
- PHẨM 21-26
XXI. Phẩm Tạp Lục
XXII. Phẩm Địa Ngục
XXIII. Phẩm Voi
XXIV. Phẩm Tham Ái
XXV. Phẩm Tỷ Kheo
XXVI. Phẩm Bà-La-Môn.
III. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA
Đối tượng tham gia cuộc thi: Chư Tăng, Phật tử và tất cả mọi người, không giới hạn số lượng. Ban tổ chức sẽ tùy theo số lượng người tham gia mà có thể sắp xếp thành nhiều đợt thi.
IV. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC THI
1. Thời gian tổ chức:
- Thời gian đăng ký dự thi Đợt 1: Từ ngày 01/08/2018 đến hết ngày 08/09/2018 (nhằm 20/06 đến 29/07 Mậu Tuất). Khi đăng ký hoan hỷ gửi thông tin cá nhân (họ tên, ngày sinh, số CMND, nơi ở hiện tại và số điện thoại) đến địa chỉ email: ngondenphapbao.hp@gmail.com. Người dự thi chính thức được xác nhận đã đăng ký khi có thư phúc đáp của Ban Tổ Chức thông qua địa chỉ email: ngondenphapbao.hp@gmail.com.
- Thời gian thi chính thức: Ngày 23/09/2018 (nhằm 14/08 Mậu Tuất).
2. Địa điểm tổ chức thi:
- Người dự thi sẽ tập trung về Giảng Đường Chính Chùa Hoằng Pháp trước 8h sáng ngày 23/09/2018.
- Địa chỉ: Chùa Hoằng Pháp, số 188/8 Ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.
V. GIẢI THƯỞNG
Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào số lượng và chất lượng cuộc thi để trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải. Các cá nhân đạt giải sẽ được Ban Tổ chức tặng Bằng Tuyên Dương Công Đức, Giấy Chứng Nhận Tham Dự Chương Trình do chùa Hoằng Pháp thực hiện.
Và đặc biệt Ban Tổ Chức còn tặng một chuyến tham quan du lịch miễn phí một số thắng cảnh miền Bắc cho các cá nhân đạt giải. Cụ thể Đoàn sẽ tổ chức tham quan các địa điểm hấp dẫn ở Quảng Ninh như sau:
1. Vịnh Hạ Long (di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận).
2. Thiền Viện Trúc Lâm dưới chân núi Yên Tử (còn có tên là Chùa Lân là địa điểm vua Trần Nhân Tông đã dừng chân trước khi lên Yên Tử tu hành.
3. Núi Yên Tử vốn là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn....Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành để tìm đến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng thiền Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308).
4. Chùa Cái Bầu (hay còn được gọi là Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm) được khánh thành vào năm 2009 tọa lạc gần Khu du lịch Bãi Dài – Vân Đồn, một khung cảnh nên thơ hòa cùng tiếng chuông uy nghiêm, tiếng gió rì rào từ biển khiến tâm ta được an lành, thanh tịnh sau những bộn bề, lo toan của cuộc sống.
5. Chùa Ba Vàng toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa còn có tên gọi là Bảo Quang tự. Chùa nằm ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống, là một điểm đến thu hút du khách bởi công trình kiến trúc tuyệt đẹp và cảnh quan thiên nhiên của ngôi chùa ngàn năm.
Và một số địa điểm tham quan khác nếu thời gian cho phép. Dự kiến thời gian đi sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 25/10/2018 đến 28/10/2018 (nhằm ngày 17/09đến 20/09 Mậu Tuất). Ban Tổ Chức sẽ tài trợ toàn bộ chuyến đi cho các cá nhân đạt giải bao gồm: vé máy bay, xe dịch vụ di chuyển đưa đón đến các địa điểm tham quan, vé tham quan, ăn uống (dùng thực phẩm chay) và ngủ nghỉ tại chùa.
Lưu ý: Mọi chi tiết thắc mắc về cuộc thi, xin vui lòng liên hệ số điện thoại: 028(37).130.002 hoặc 028(37).133.827.
TM.BAN TỔ CHỨC CUỘC THI
TRỤ TRÌ CHÙA HOẰNG PHÁP
Thượng tọa Thích Chân Tính